Tại sao giao dịch Forex khó ? Hiểu về Lợi Thế ( edge ) trong giao dịch
Tại sao giao dịch forex lại khó? (theo quan điểm kỹ thuật)
Căn cứ vào tính chất di chuyển của giá, có 2 loại thị trường: Một là tăng trưởng dần đều theo thời gian (ví dụ stock và các indices như S&P500), hoặc 2 là đi ngẫu nhiên trong thời gian dài (ví dụ forex). Ví dụ rất đơn giản, giờ các cụ lấy cái chart S&P500 đem lộn ngược lại, các cụ sẽ thấy cơ hội short nhiều hơn cơ hội long, trong khi nếu đem chart GBPJPY lộn ngược lại thì cơ hội long và short vẫn là na ná như nhau. Điều này rất quan trọng khi các cụ xây dựng hệ thống giao dịch, vì nếu nhà em mà build một hệ thống giao dịch chuyên để đánh S&P500 thì chắc chắn nhà em chỉ build chiều long và bỏ qua mọi cơ hội short. Tại sao lại như vậy thì bởi chiều long có nhiều lợi thế (edge) hơn so với chiều short.
Tại sao lợi thế lại quan trọng thì bởi, nếu không xác định được lợi thế trong phương pháp giao dịch (hay giao dịch bằng những phương pháp không có lợi thế) thì không khác gì bấm bừa. Mà nói, cụ nào tiếp cận thị trường theo kiểu trường phái xóc đĩa thì chắc chắn là thiệt nặng, vì các cụ đang nhầm lẫn giữa khả năng (possibility) và xác xuất (probability). Ví dụ khi tung đồng xu, khả năng (ăn/thua) trùng với xác xuất (sấp/ngửa); nhưng giả sử em nói “sáng mai ngủ dậy dưới gầm giường nhà cụ hiện ra 2 triệu USD”, thì khả năng (possibility) vẫn là 50/50, hoặc là nó có ở đó hoặc là không, nhưng xác suất để 2 triệu USD ở dưới gầm giường nhà cụ là như thế nào, các cụ tự hiểu.
Về mặt lý luận, những thị trường dạng ngẫu nhiên như forex không thực sự ngẫu nhiên, nó tuân theo các mô hình hỗn mang (chaos), nhưng để cho bài viết ngắn gọn nhà em cứ giả định nó ngẫu nhiên thật; mà mọi thứ ngẫu nhiên thì có xác suất phân phối gần với 50%. Mà quả thực đây là cả một sự thật mang tính chất hiện sinh và hết sức đau lòng: tỷ lệ thành công của mọi hệ thống giao dịch trong thị trường forex trong dài hạn (cỡ 15 – 20 nghìn lệnh đổ lên) sẽ quay trở lại mức 50/50. Đây là kết luận em rút ra sau khi đã test cỡ 20000 hệ thống giao dịch với các thiết đặt khác nhau. Vậy đó. Bản chất thị trường là ngẫu nhiên, nhưng hễ cứ tiếp cận theo bất cứ phương pháp tài xỉu nào là các cụ cháy khét lẹt. Sự thật là, chẳng có cái chén thánh nào tồn tại trong thị trường này cao hơn một lợi thế. Lợi thế là cái mà dân định lượng nhà em dùng để nghiêng cán cân về phía mình trong ngắn hạn (tầm vài nghìn giao dịch) vậy thôi.
Tại sao các hệ thống giao dịch không hiệu quả?
Các cụ đừng mắng em vội nhé, mặc dù các hệ thống giao dịch VỀ LÂU DÀI là không hiệu quả, nhưng nó chỉ đúng trong trường hợp chúng ta để yên cho nó chạy thôi. Điều này có nghĩa, để duy trì lợi thế, song song với việc liên tục phát triển hệ thống mới, thỉnh thoảng người ta phải tối ưu hóa hệ thống cũ một lần, giống như các cụ làm bếp thì thỉnh thoảng phải mài dao vậy. Tất nhiên, đó là với điều kiện những hệ thống giao dịch cũ còn có khả năng sử dụng được, chứ con dao dùng lâu vừa cùn vừa mẻ thì thôi các cụ cũng nên tính sắm con khác là vừa.
Nói chơi vậy, chứ thực ra nguyên nhân sâu xa khiến các thuật toán và các hệ thống giao dịch trở nên kém hiệu quả là việc thị trường ngày càng trở nên hiệu quả hơn. Có một lý thuyết (đã đạt giải Nobel kinh tế) lý giải cho việc này, giới hàn lâm gọi là lý thuyết đấu giá (Auction theory). Lý giải một cách hết sức mầm non, lý thuyết này nói rằng thị trường đạt đến sự hiệu quả (efficiency) toàn phần khi bên cung và bên cầu bằng nhau, hay giá đạt trạng thái cân bằng. Hễ bên nào dư thừa hay thiếu hụt thì trạng thái cân bằng của giá thay đổi cho đến khi nào nó gặp một điểm cân bằng mới mà tại đó bên mua và bên bán lại đồng ý với nhau. Ở trên biểu đồ, những khu vực mà thị trường đạt hiệu quả cao là những khu vực sideway, tại đó những lệnh bán được bên mua hấp thụ, do vậy giá không di chuyển nhiều. Ngược lại, những xu hướng là những khu vực mà tại đó thị trường trở nên thiếu hiệu quả do sự thay đổi đột ngột trong lực cung hoặc lực cầu. Nói cách khác, chúng ta, những trader, đang khai thác sự thiếu hiệu quả của thị trường thông qua việc giao dịch theo xu hướng.
Với những tiến bộ kỹ thuật trong một thập kỷ gần đây, không khó để nhận ra những thay đổi của thị trường. Các di chuyển mang tính chu kỳ (cyclical movement) ngày càng ngắn lại và ngày càng khó đoán. Các chiến thuật giao dịch từng hiệu quả trong quá khứ (như gold cross/death cross, hay những hệ thống huyền thoại một thời vàng son như turtle trading) ngày càng trở nên kém hiệu quả và thậm chí gây ra thua lỗ. Các biến đổi về cấu trúc và vi cấu trúc thị trường khiến hành vi giá ngày càng trở nên khó đoán, và kết quả là mr. Market ngày một tàn bạo hơn. Những cụ giao dịch thủ công, ít tiếp xúc với dữ liệu quá khứ có thể không biết điều này, nhưng cứ hỏi xin data quá khứ từ những người xây dựng thuật toán, viết EA về backtest chiến thuật thử xem, giai đoạn 5 năm từ 2010 đến 2015 dễ trade hơn hẳn với giai đoạn 2016-2021. Ngày xưa nhà em nhớ có những đội chuyên đánh Non-farm, cả tháng chỉ đánh có một buổi đó còn lại ngồi chơi, vì thị trường 10 năm trước còn rất nhiều chỗ thiếu hiệu quả, do đó giá chạy theo phong cách chó điên hơn, một buổi non farm giá có thể giật hai đầu đến 200 pip hoặc thậm chí hơn chứ không phải phong cách nhấp nhả như hiện giờ.
Nói chung tất cả những điều kể trên đều dẫn đến một kết quả đau lòng là chúng ta sẽ ngày càng khó kiếm cơm trên thị trường tài chính, nhất là với những thị trường mang nhiều yếu tố “truyền thống” như forex: Những vùng sideway sẽ ngày càng dài và bất ổn hơn, những cú pull back sẽ ngày càng đột ngột hơn và những cái fake breakout sẽ ngày càng xảo quyệt hơn trước.
Điều này cũng có nghĩa, chúng ta cần giao dịch với một lợi thế hơn bao giờ hết.
Làm cách nào để phát hiện ra lợi thế?
Nói một cách đơn giản nhất, các cụ cần thống kê. Rất tiếc, hai chữ thống kê chỉ đơn giản chứ không hề dễ. Nhưng nói thế này cho các cụ đỡ tủi thân, không phải tự nhiên mà các mô hình nến mà các cụ hay dùng như pin bar, tweezers, stars, engulfing, inside bar… lại được đề cập nhiều đến vậy, mà do chúng đều có xác suất tiên đoán cao hơn những mô hình khác. Theo Adam Grimes, tác giả cuốn The Art and Science of Technical Analysis, lợi thế xuất hiện “khi những điều kiện abcxyz này xảy ra như chúng đã từng xảy ra trong quá khứ, thì những gì xảy ra tiếp sau nó có nhiều khả năng KHÔNG ngẫu nhiên”.
Nói thì dông dài, nhưng hãy cứ bắt đầu từ những thứ đơn giản. Các cụ kiếm cho nhà em một bộ data cỡ 10 năm, một phần mềm simulator nào đó để chạy chart theo từng tick (ví dụ fxblue simulator, em khuyến nghị dùng cái này vì nó miễn phí), ngồi viết ra các quy tắc giao dịch của mình, viết càng chi tiết và logic càng tốt, rồi sau đó tự mình test lấy. Tất nhiên, các cụ sẽ sớm nhận ra rằng nếu mình test đúng thì hệ thống của mình sẽ ị đùn nhanh thôi, nhất là với những hệ thống quá sơ sài hay quá phức tạp. Nhưng nếu các cụ tìm ra một cơ may nào đó, bất cứ nó là gì đi chăng nữa (ví dụ mô hình đảo chiều xuất hiện ngoài Bollinger Band chẳng hạn), thì hãy test nó cẩn thận, vì lợi thế giao dịch đôi khi mỏng như tờ giấy vậy luôn. Chỉ cần nghiên cán cân 50/50 về phía mình một chút xíu thôi là các cụ thành công rồi.